Giải pháp để các nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp lép vế
Tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản
Sau hơn 1 năm thành lập (năm 2021), Viện Nghiên cứu và Phát triển cây Dược liệu (IMP) thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam bắt đầu tập trung nghiên cứu và phát triển các giống cây dược liệu bản địa cũng như nhập nội một số giống tiềm năng, các giống này đều được đưa vào bảo tồn in-situ. Ngoài ra viện cũng đã sản xuất các giống như lan kim tuyến, lan thạch hộc, đàn hương Ấn Độ siêu chuẩn giống sẵn sàng cho các đơn vị làm giống và tạo vùng nguyên liệu.
Giải pháp nào không để các nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp lép vế?
Các giống cây dược liệu nói chung và 100 giống cây trọng điểm đã được Bộ Y tế công bố năm 2019 đều được Viện chú trọng sưu tập và bảo tồn cũng như từng bước đánh giá nguồn gen di truyền cũng như chuẩn hóa giống nhằm tạo một quỹ gen chuyên về cây dược liệu quốc gia.
Bên cạnh đó, Viện cũng đã có những đề tài chuyên sâu về tạo đột biến nhằm làm tăng hàm lượng dược liệu của một số loại cây như: đề tài nghiên cứu làm tăng hàm lượng polysaccharide trong lan thạch hộc; đề tài làm tăng lượng cucurmin trong cây nghệ….
Còn tại Viện Nghiên cứu nấm ăn và nấm dược liệu thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong những năm qua, Viện đã nghiên cứu chọn tạo và tiến hành công nhận giống và quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng nhiều loại nấm ăn, nấm dược liệu mới có giá trị cao như: nấm linh chi, vân chi, đầu khỉ, đông trùng hạ thảo, nấm sò... Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu hữu cơ chất lượng cao đang được nghiên cứu và hoàn thiện.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, riêng trong lĩnh vực trồng trọt, đến nay đã có khoảng 450 giống cây trồng được Bộ nhân giống mới đưa vào sản xuất. Nhờ đó, hầu hết các loại cây trồng chủ lực như lúa gạo, thanh long, nhãn, vải, bưởi, chè,… đều được cải thiện lớn cả về quy mô và chất lượng.
GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận định, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản. “Khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Khoa học công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp”, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhận định.
Sự bắt tay giữa 4 nhà
Là doanh nghiệp tiền thân trong ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển và sản xuất phần mềm ứng dụng trên điện thoại,… ông Vũ Xuân Nguyên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP IGB - cho biết, hiện doanh nghiệp đang có kế hoạch kết hợp công nghệ vào sản phẩm nông nghiệp, đồng thời, phối hợp với các giáo sư, tiến sĩ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao ra một số địa phương nhằm tạo ra vùng đệm nguyên liệu.
Ông Vũ Xuân Nguyên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP IGB
Tuy nhiên, khi đến với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi khá bất ngờ vì tại đây đã có những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như: đông trùng hạ thảo; sản phẩm chiết xuất từ đông trùng hạ thảo; tảo xoắn hay phối hợp nuôi đông trùng hạ thảo trong môi trường tảo xoắn… tạo ra những sản phẩm rất chất lượng.
Để tạo ra sự khép kín, ông Vũ Xuân Nguyên cho biết, doanh nghiệp đã đề xuất hợp tác toàn diện với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mà các nhà khoa học tại Học viện đã nghiên cứu ra.
Bởi theo ông Nguyên, Việt Nam là thị trường tiềm năng trong nhập khẩu nguồn nguyên liệu, đặc biệt là dược liệu từ Trung Quốc, trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể nuôi trồng được. Do đó, sự “bắt tay” giữa 4 nhà trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao sẽ phù hợp với rất nhiều địa phương và cũng ra rất hiệu quả. Doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác với các nhà khoa học và các doanh nghiệp để sản xuất, phân phối sản phẩm.
“Tiềm năng thị trường là rất lớn, đặc biệt là đối với các sản phẩm như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, tảo xoắn…. với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ có thể sản xuất ra, nhưng họ sẽ không biết cách để đưa vào thị trường. Do đó, nhiệm vụ phân phối ra thị trường đó là các cá nhân, tổ chức. Họ có nhiệm vụ “thổi hồn” vào sản phẩm theo đúng chất lượng mà sản phẩm có. Chỉ như vậy, sản phẩm sẽ đi đến tay người tiêu dùng một cách tốt nhất”, ông Vũ Xuân Nguyên cho biết.
Khu vực chăm sóc, thu hái nấm của Viện Nghiên cứu và phát triển nấm ăn, nấm dược liệu
Về phía các nhà nghiên cứu, ông Ngô Xuân Nghiễn - Giám đốc Viện Nghiên cứu nấm ăn và nấm dược liệu cho hay, với sự bắt tay hợp tác giữa 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông), các đề tài nghiên cứu khoa học sẽ được đưa vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất, trong đó, mục tiêu cuối cùng là người tiêu dùng và nông dân sẽ là những người được hưởng lợi nhiều nhất. “Chúng tôi luôn xác định nghiên cứu những gì xã hội cần, nông dân cần. Kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao ngay cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại sản xuất nấm trong cả nước”, ông Ngô Xuân Nghiễn chia sẻ.
Trên thực tế, mặc dù đóng góp rất lớn vào tăng năng suất và chất lượng nông sản, nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học nông nghiệp ở nước ta được đánh giá là hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách Nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn vẫn thấp...
Bà Nguyễn Thị Lan cho hay, hiện nay, có tình trạng chung là sản phẩm nghiên cứu rất nhiều, nhưng số lượng được chuyển giao vào thực tiễn còn rất khiêm tốn. Các chủ trương, cơ chế chính sách đã có đầy đủ nhưng có thể vẫn còn một vài điểm nghẽn nào đó mà chúng ta chưa rà soát để khai thông được.
Để các nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp không bị lép vế, bà Nguyễn Thị Lan cho rằng, các nghiên cứu khoa học công nghệ cần hướng tới tạo ra những sản phẩm công nghệ nguồn, sản phẩm phục vụ cho các địa phương, người dân ứng dụng. “Ban đầu phải gắn kết nhà khoa học với cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người sử dụng. Nếu thực hiện tốt việc gắn kết này thì sẽ chuyển giao được sản phẩm. Ngay từ đầu khi xây dựng ý tưởng, có sự tập hợp các thành phần, nghe nhu cầu các bên rồi đặt ra vấn đề nghiên cứu thì khi đưa vào thực tế sẽ rất thuận lợi”, bà Nguyễn Thị Lan cho biết thêm.
Theo Báo Công Thương
>> Link gốc: https://congthuong.vn/giai-phap-de-cac-nghien-cuu-khoa-hoc-cong-nghe-nong-nghiep-lep-ve-178766.html