Ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm làm sáng da từ thảo dược tự nhiên

Sáng ngày 26/4/2023, Viện nghiên cứu Vi tảo và Dược mỹ phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Dược liệu Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm làm sáng da từ thảo dược tự nhiên”.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu bào chế sản phẩm kem làm sáng da từ Gừng gió (Zingiber zerumbet Smith) và một số dược liệu Việt Nam có hoạt tính ức chế enzyme tyrosinase” do PGS.TS. Nguyễn Đức Bách làm chủ nhiệm. Đề tài thuộc chương trình Công nghệ Sinh học, do Sở KHCN Hà Nội cấp kinh phí thực hiện. Tham dự Hội thảo có đại diện của các Công ty cổ phần dược mỹ phẩm quốc tế Lisacos, Công ty cổ phần tập đoàn V-DUTP, Công ty cổ phần tập đoàn Tanaco Việt Nam, Công ty cổ phần CANIFO, Hiệp hội Spa thẩm mỹ, Công ty cổ phần tập đoàn HNT, cùng cán bộ giảng viên và sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 

 Viện nghiên cứu Vi tảo và Dược mỹ phẩm phối hợp với Công ty Spin-off (Công ty Cổ phẩn Khoa học và Công nghệ Dược liệu Việt Nam) Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm làm sáng da từ thảo dược tự nhiên”

 

Trình bày tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Bách - chủ nhiệm đề tài đã giới thiệu cơ chế của các rối loạn tổng hợp sắc tố melanin dẫn đến các hiện tượng nám da và sạm da, đồng thời trình bày cơ sở khoa học để phát triển sản phẩm kem dưỡng sáng da Z-white chứa thành phần hoạt chất từ gừng gió và một số dược liệu Việt Nam có hoạt tính ức chế enzyme tyrosinase. Nghiên cứu cũng là tiền đề quan trọng để tiếp tục phát hiện các hoạt chất thiên nhiên trong việc kiểm soát quá trình sinh tổng hợp tyrosinase để phát triển các loại sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc và làm sáng da.

 

 PGS.TS. Nguyễn Đức Bách, Giám đốc Viện nghiên cứu Vi tảo và Dược mỹ phẩm, chủ nhiệm đề tài, trình bày kết quả đề tài: “Nghiên cứu bào chế sản phẩm kem làm sáng da từ Gừng gió (Zingiber zerumbet Smith) và một số dược liệu Việt Nam có hoạt tính ức chế enzyme tyrosinase” và giới thiệu 2 sản phẩm kem dưỡng sáng da Z-White dành cho da thường và da mẫn cảm.

 

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Huỳnh Thanh Phương – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Dược liệu Việt Nam cho biết, Hội thảo có ý nghĩa trong việc giới thiệu kết quả nghiên cứu và sản phẩm kem làm sáng da với hoạt chất zerumbone từ củ cây Gừng gió kết hợp với các hoạt chất từ thảo dược thiên nhiên tới các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược mỹ phẩm và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Đối với công ty khởi nguồn công nghệ (spin-off), sản phẩm nghiên cứu từ các đề tài Khoa học công nghệ là nền tảng quan trọng để đưa vào thương mại hoá. Đồng thời các nhà máy sản xuất, công ty Dược mỹ phẩm và các nhà phân phối, các Spa sẽ góp phần tạo thành chuỗi liên kết từ nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

 

TS. Lê Huỳnh Thanh Phương khẳng định, trong điều kiện hiện nay, các nghiên cứu ngoài công trình công bố cần phải có định hướng ứng dụng, sản phẩm nghiên cứu cần gắn với thương mại hoá. Hiện nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng khuyến khích hình thành các mô hình doanh nghiệp spin-off và đổi mới sáng tạo. Trong thời gian tới Học viện sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các nhóm nghiên cứu đáp ứng yêu cầu xã hội.

 

 TS. Lê Huỳnh Thanh Phương – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ Dược liệu Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

 

Tham dự Hội thảo, ông Nguyễn Quang Đoài - dược sĩ, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm quốc tế Lisacos đã bày tỏ mong muốn liên kết giữa nhà máy sản xuất dược mỹ phẩm với các nhà nghiên cứu của các Khoa, Viện nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm phát triển hơn nữa kết quả nghiên cứu từ các đề tài nghiên cứu để tạo ra sản phẩm thương mại. Ông Nguyễn Quang Đoài chia sẻ, Hội thảo không chỉ là dịp cho các nhà nghiên cứu giới thiệu các đề tài và sản phẩm nghiên cứu mà còn làm nền tảng để kết nối giữa trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Ông Nguyễn Quang Đoài cũng khẳng định sản phẩm xuất phát từ các đề nghiên cứu thực hiện tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã được thị trường đón nhận. Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Đoài cũng sẵn sàng hỗ trợ sinh viên ngành Công nghệ sinh Dược của Học viện trong các hoạt động thăm quan, thực tập tại Công ty, qua đó sẽ giúp cho các em sinh viên tích luỹ thêm kinh nghiệm thực tiễn trước khi ra trường.

 

 Ông Nguyễn Quang Đoài – Dược sĩ, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm quốc tế Lisacos phát biểu tại Hội thảo

 

TS. Phí Thị Cẩm Miện – Phó giám đốc Viện nghiên cứu Vi tảo và Dược mỹ phẩm đã trình bày định hướng chiến lược của Viện trong việc đẩy mạnh nhiệm vụ đào tạo gắn với phát triển quy trình công nghệ mới nhằm khai thác hiệu quả hơn nữa các hợp chất có hoạt tính sinh học trong lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và mỹ phẩm. Đồng thời, các khoá tập huấn và đào tạo ngắn hạn trong lĩnh vực bào chế các sản phẩm dược mỹ phẩm sẽ được Viện chú trọng triển khai trong thời gian tới. TS. Phí Thị Cẩm Miện chia sẻ hiện nay nhiều doanh nghiệp và các đơn vị phân phối trong lĩnh vực dược mỹ phẩm rất cần các sản phẩm mới có chất lượng được sản xuất từ các nguyên liệu trong nước. Đặc biệt, các nguyên liệu cho lĩnh vực mỹ phẩm cần được chú trọng nhân rộng không chỉ cho nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu.

 

TS. Phí Thị Cẩm Miện, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Vi tảo và Dược mỹ phẩm bày bài tham luận “Nghiên cứu và phát triển các sản phẩm Dược mỹ phẩm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam 

 

Là doanh nghiệp với thế mạnh về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, ông Vũ Xuân Nguyên - Chủ tịch HĐQT Công ty CP IGB - cho biết, hiện doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng thêm lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao nhằm ứng dụng các công nghệ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để phát triển các vùng nguyên liệu. Qua đó sẽ tạo bước đột phá mới trong việc kiểm soát và truy xuất nguồn nguyên liệu đầu vào, tiến tới tạo các nguyên liệu bàn thành phẩm và thành phẩm cho các nhà máy dược mỹ phẩm. Theo ông, hiện nay Việt Nam vẫn đang nhập khẩu nguyên liệu, đặc biệt là nguồn dược liệu, trong khi Học viện đã làm chủ nhiều công nghệ, có nhiều giống cây trồng mới. Do đó, sự kết hợp giữa các bên là rất cần thiết và doanh nghiệp luôn sẵn sàng đồng hành để sản xuất, truyền thông và phân phối sản phẩm.

 

 Ông Vũ Xuân Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần IGB phát biểu tham luận tại Hội thảo

 

Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Bách – Giám đốc Viện nghiên cứu Vi tảo và Dược mỹ phẩm, bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc quan tâm, chia sẻ và đồng hành của công ty Spin-off, các doanh nghiệp dược mỹ phẩm, nhà phân phối và đại biểu tham dự đã có những ý kiến tham luận, đóng góp vô cùng quý báu cho Hội thảo, đồng thời cảm ơn Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội đã hỗ trợ kinh phí nghiên cứu. Thông qua Hội thảo này, Viện nghiên cứu Vi tảo và Dược mỹ phẩm kỳ vọng sẽ thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm định hướng thị trường nhằm phát huy hơn nữa các kết quả nghiên cứu trong nhiệm vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Các vị đại biểu tham dự tại Hội trường

Các sản phẩm làm sáng da từ thảo dược được trưng bày tại hội thảo

Thu hiền

Tin tức liên quan